Bước đầu tiên tiếp cận Phật giáo
Trên thực tế, có rất nhiều người bày tỏ rằng họ muốn được tu tập để tâm trở nên thanhthản, họ muốn đến với Phật giáo bằng cả con tim của mình và nguyện phần đời còn lại sống với Phật giáo. Tuy nhiên, họ lại không biết bắt đầu từ đâu để đi cho đúng hướng. Hoặc một trường hợp khác, họ nghĩ rằng họ đã và đang tu nhưng thực tế, con đường họ đang đi chắc chắn không thể dẫn đến sự giác ngộ và giải thoát. Thế mới nói, những bước chân đầu tiên đến với Phật pháp thật sự rất quan trọng, nó hầu như quyết định toàn bộ con đường tu tập của chúng ta sau này. Và để nhiều người có được hướng đi chính xác, bài viết sau đây sẽ chia sẻ cách để chúng ta tiếp cận với Phật giáo sao cho đúng đắn nhất và mang lại kết quả tốt nhất!
Hậu quả của việc tu sai hướng
Trước tiên, chúng tôi phải khẳng định một điều rằng việc tu sai hướng không phải là lỗi của người Phật tử. Rõ ràng trong tâm họ là muốn tu tập để thoát khổ, để an yên và thanh tịnh, nhưng họ lại không may mắn có được một hướng đi đúng đắn ngay từ đầu. Điều này dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đó là lý do để lý giải cho nhiều câu hỏi: Tại sao tôi tu lâu như thế nhưng vẫn không nhận được kết quả gì? Tại sao người khác tu thì họ được thanh thản, sống bình yên còn tôi tu nhưng trong đầu vẫn đầy rẫy niềm đau nỗi khổ?…Đó là bởi vì bạn đã đi lệch hướng ngay từ đầu.
Việc bạn đi lệch hướng như thế, bạn không có lỗi nhưng bạn là nạn nhân của những cái sai đó. Là một nạn nhân, bạn đâu thể lựa chọn số phận cho riêng mình, mọi việc đều do sự sắp đặt của những cái sai. Và kết quả là bạn phải chấp nhận. Có những người, họ nghĩ rằng họ đã tu lên đến mười năm, và cuối cùng nhận ra là mình đã đi sai hướng, lúc đó họ tuyệt vọng và không muốn bắt đầu tu lại lần nữa. Nỗi ám ảnh sai hướng luôn văng vẳng trong tâm trí họ để rồi làm họ nhục chí, không muốn tu nữa! Đến đây, chắc hẳn bạn đã thấy được việc tu sai hướng mang lại hậu quả nghiêm trọng đến mức nào. Dành cả đời để tu tập nhưng không nhận được kết quả gì, thật là đáng tiếc!
Muốn tu tập đúng hướng cần chọn đúng thầy
Người xưa thường hay nói “không thầy đố mày làm nên”. Dĩ nhiên câu nói ấy không đúng hoàn toàn nhưng cũng không mang nghĩa là tiêu cực hoàn toàn. Trên thực tế, khi chúng ta quyết định bước vào một lĩnh vực mới, bước vào thế giới tu tập, chúng ta thường tự mình tìm hiểu qua nhiều nguồn khác nhau. Tìm hiểu qua kinh Phật, qua sách báo, qua internet nhưng làm sao chúng ta biết được những nguồn chúng ta chọn đã là đúng. Và nếu như chúng ta đã chọn đúng nguồn tham khảo, vậy chúng ta có đảm bảo chúng ta hiểu thấu đáo mọi vấn đề? Thật sự rất khó cho một người mới bước vào đạo Phật. Do đó, để hướng tu tập trở nên dễ dàng hơn, để chắc chắn rằng con đường chúng ta lựa chọn là đúng đắn, chúng ta cần có một người thầy giúp đỡ trong những bước chân đầu tiên đến với Phật pháp.
Việc lựa chọn Thầy để theo học ở bước đầu cũng rất quan trọng. Vị thầy đó phải là người có hiểu biết và biết cách truyền tải thông điệp sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người. Một người đã từng trải đời nhiều, người thầy phải có cách diễn giải đạo Phật khác với một người mới đôi mươi tuổi. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, người Thầy có thể giúp chúng ta tu tập đúng hướng phải là một người sáng suốt, có trí tuệ và hiểu thấu đáo về Phật pháp.
Trên cõi đời này, từ hàng vạn kiếp cho đến nay, chỉ có một người duy nhất tự tu tập mà không cần đến sự giúp đỡ của thầy nhựng vẫn giác ngộ được, đó chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Nói ra điều này không nhằm mục đích để khuyến khích chúng ta “tự bơi” trong con đường tu tập. Vì thật sự không có ai làm được như Ngài Thế Tôn. Do vậy, nếu bạn mới bước chân vào đạo Phật, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm một người thầy giỏi để học hỏi. Thầy sẽ là ánh sáng soi đường cho bạn đạt được ước muốn giải thoát của mình.
Tình trạng chung của Phật tử trong thời gian đầu học Phật
Phật giáo không giống như những môn khoa học chúng ta được học ở trường, Phật giáo không có giáo trình, không có sách để chúng ta học từ cơ bản đến nâng cao. Chúng ta học Phật chủ yếu là học qua lời dạy của những người Thầy đi thuyết pháp. Tuy nhiên, với mỗi thầy, cách thuyết pháp lại khác nhau nên đôi khi làm cho chúng ta có sự nhầm lẫn, thậm chí là hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của những gì thầy đã giảng. Điều này dẫn đến tình trạng chung là khi học được một thời gian, chúng ta lại cảm giác như chúng ta dậm chân tại chỗ.
Đứng trước một ngã ba, là một người không biết đường và cũng không biết nơi chúng ta muốn đến, thật khó để chúng ta chọn đi lối nào. Còn ở đây, học Phật như đứng trước ngã mười vậy, chúng ta chưa có nhiều hiểu biết về Phật pháp, nhưng chúng ta lại học từ quá nhiều thầy, mỗi thầy là một hướng đi khác nhau dẫn đến chúng ta cảm thấy hoang mang và bế tắc. Tình trạng này hầu như ai cũng đều trải qua.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc chúng ta phân vân, không biết đi hướng nào không phải hoàn toàn là do chúng ta học từ quá nhiều thầy. Mà một phần nguyên nhân là do tâm chúng ta chưa kiên định, chưa quyết tâm tu tập. Vì một khi chúng ta còn chưa xác định cái chúng ta muốn là gì, chúng ta rất dễ bị cuốn theo những hướng đi khác nhau. Hôm nay nghe thầy này giảng thấy hay, chúng ta quyết định học theo, rồi ngày mai lại nghe một thầy khác, chúng ta cũng học theo. Chúng ta tham lam không biết lựa chọn đường đi cho mình trước quá nhiều điều tốt, điều đó dẫn đến việc chúng ta không nhận được kết quả gì từ việc tu tập. Điều này là vô cùng nguy hiểm!
Bước đầu tiên của người cư sĩ Phật tử đế bắt đầu tu tập là gì?
Đứng trước câu hỏi này, có khá nhiều câu trả lời khác nhau, nào là thờ Phật, nào là giữ gìn năm giới, nào là niệm Phật mỗi ngày,…Nhưng bước đầu tiên để tu tập của người cư sĩ Phật tử chính là quy y và thọ trì năm giới. Trong năm giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu, người Phật tử phải thực hành cho trọn thì mới có thể tính đến chuyện tu tập lâu dài để giác ngộ. Nhưng ai trong chúng ta cũng biết rằng, việc hành trì năm giới trên là điều không dễ dàng, nhất là khi chúng ta còn sống với đời, còn nhiều nỗi lo toan vướng mắc.
Nhưng một sự thật đáng buồn là, trên đời này có rất nhiều người Phật tử, trong khi năm giới kia còn chưa giữ xong thì lại muốn tu ở một cấp bậc khác cao hơn. Cái nền tảng, cái trụ cột nhưng chúng ta không xây dựng được thì lấy gì để chúng ta bước lên trên những bậc thang tiếp theo trên con đường tu tập? Chúng ta luôn có tâm lý vội vàng, muốn nhảy vọt để đạt đến đỉnh điểm càng sớm càng tốt, nhưng một điều chắc chắn rằng, một khi những cái cơ bản chúng ta vẫn chưa thực hành xong thì chuyện giác ngộ là điều không thể.
Khi thực hành việc tu tập, người Phật tử thường hay gặp vấn đề khập khiễng giữa tu và đời thường. Nếu ai đã từng học tu một thời gian, chúng ta đều nhận thức được rằng việc tham ái là nguyên nhân dẫn đến khổ đau, chúng ta luôn tự nhủ với bản thân là không được tham ái, phải tu tập để thanh thản, bình yên, chúng ta né tránh những lần chạm nhau với vợ hoặc chồng của mình. Để rồi một ngày khi cuộc hôn nhân đứng trên bờ tan vỡ thì chúng ta cảm thấy khổ đau. Hỏi như thế có đúng nghĩa là chúng ta đang tu hay chưa? Nếu thật sự tu tập để giải thoát, tại sao chúng ta lại cảm thấy đau khổ khi mình sắp mất đi cuộc hôn nhân ấy? Nói ra đây để những người đang theo học Phật hiểu rằng, việc chúng ta nhận thức việc tham ái sẽ dẫn đến đau khổ là chúng ta đang nhận thức dựa trên quan hệ nhân quả, chứ chúng ta chưa thật sự nhận thức với toàn tâm toàn ý muốn giác ngộ và giải thoát. Chúng ta chỉ là những người phàm phu, chúng ta có tấm lòng muốn học Phật là điều rất tốt, do vậy chúng ta đừng tự ép bản thân mình phải làm những việc quá với sức của mình. Từ bỏ tham ái, dục vọng là điều mà hiếm có người phàm phu làm được. Hãy suy nghĩ một cách thoáng hơn, chỉ cần chúng ta sống chung thủy với vợ hoặc chồng của mình là đã quá đủ đối với một người Phật tử!
Như vậy, việc học Phật không dễ dàng với những người mới bắt đầu đúng không nào? Có thể thời gian đầu chúng ta còn mơ hồ, còn đặt quá nhiều điều cao siêu và mong muốn bản thân làm được điều đó. Nhưng chúng ta nên nghĩ lại, hãy thật chắc những bước đi đầu tiên trên con đường học Phật. Đừng ép bản thân mình phải làm được những điều như Đức Thế Tôn đã từng làm, đừng nóng vội muốn đạt được một điều gì đó trong khi nền tảng cơ bản mà chúng ta vẫn chưa xây dựng xong. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, thọ trì năm giới và thành tâm niệm Phật, một ngày không xa, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình yên trong cuộc sống, đó chính là thành quả đầu tiên mà chúng ta nên hướng đến chứ không phải là sự giác ngộ hay giải thoát.