HIỂU ĐÚNG VỀ QUY Y
HIỂU ĐÚNG VỀ QUY Y
Trong tất cả những người theo học và tìm hiểu về Phật giáo, chúng ta ai cũng biết đến hai chữ “quy y”. Quy y là một vấn đề rất quan trọng trong đạo Phật, đôi khi chúng ta lại nghe các Thầy nhắc đến Phật tử để chỉ những người đang trên con đường học Phật, đôi khi lại nghe nhắc đến những người cũng đang theo học Phật nhưng bằng một cụm từ khác “thiện nam tánh nữ”. Vậy liệu rằng trường hợp nào chúng ta gọi những người học Phật là Phật tử và trường hợp nào gọi là “thiện nam tánh nữ”? Và quy y có ý nghĩa như thế nào mà nó được xem là một vấn đề quan trọng trong Phật giáo. Bài viết này sẽ lần lượt đưa ra câu trả lời cho từng vấn đề, giúp mọi người có cái nhìn chính xác hơn, chi tiết hơn về “quy y”.
Sự khác nhau trong cách gọi những người theo học Phật.
Có thể hiểu một cách nôm na, đối với những người đã quy y thì chúng ta gọi họ là Phật tử. Còn đối với những người đang theo học Phật hay mới tìm hiểu về đạo Phật và muốn hướng về đạo Phật, nhưng chưa tiến hành nghi lễ quy y thì chúng ta gọi họ là “thiện nam tánh nữ”.
Như vậy, sự khác nhau trong cách gọi những người cùng theo học Phật bắt nguồn từ việc đã quy y hay chưa. Với nhiều người, họ thật sự muốn theo con đường Phật pháp, muốn tìm hiểu và học tập theo Phật nhưng họ lại hiểu chưa đúng về quy y, điều này khiến họ e dè, lưỡng lự không biết có nên quy y hay không. Chúng ta đừng quá khắt khe trong cách hiểu về quy y, quy y không đồng nghĩa với việc chúng ta phải “xuống tóc”, phải khoác áo người tu, phải vào chùa tu tịnh,…những cách hiểu lệch như thế đôi khi vô tình khiến cho nhiều người hoang mang và cảm thấy việc quy y như là chúng ta vứt bỏ hết cuộc sống bên ngoài với gia đình, phải từ bỏ tất cả và chỉ chuyên tâm tu tập. Cách hiểu như thế thật là thiển cận.
Một thực tế rằng, trong những buổi tu do các chùa tổ chức, có rất đông đảo mọi người cùng đến chùa để nghe thuyết pháp, nhưng đa số họ đều là những người mới bắt đầu quy y và thậm chí là mới quy y ngay trong ngày hôm đó. Điều này vừa là một điều đáng mừng nhưng cũng là một điều đáng buồn. Mừng vì chúng sinh đã bắt đầu bước vào con đường mới, bắt đầu từ bỏ những thứ vô minh ở cuộc đời mà bước vào con đường tu tập. Nhưng buồn vì tại sao họ lại không quy y sớm hơn, liệu rằng đó có phải là hậu quả của việc hiểu sai về quy y khiến họ chần chừ mãi mà không thực hiện. Như vậy mới thấy, chúng ta cần hiểu đúng về quy y, và bài viết này sẽ chịu trách nhiệm giúp mọi người hiểu đúng về điều đó, để mọi người thấy được những ý nghĩa cốt lõi của quy y và thành tâm quy y sớm hơn.
Quy y để làm gì?
Nhiều người trong chúng ta đã trải qua một quãng đời khá thăng trầm và nhiều cay đắng, đến nỗi khi người khác muốn chúng ta làm một điều gì đó để mang đến sự tốt lành cho chúng ta thì họ cũng hoài nghi rằng người khác có ý đồ xấu xa, lợi dụng họ để trục lợi. Chúng ta đi đến chùa, được các Thầy khuyên chúng ta quy y, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng quy y như thế là chúng ta phải cúng dường tiền bạc, của cải cho ngôi chùa ấy, quy y tại một ngôi chùa nào đó không phải là chúng ta phải thường xuyên lui tới vào những dịp rằm, thường xuyên góp tiền xây dựng và cải trang lại cho chùa.
Đối với các Thầy, khi nhìn thấy chúng sinh còn đau khổ vì những được mất ở đời, vì những sự phản bội của người thân, trách nhiệm của các Thầy là cố gắng giúp chúng ta sớm thoát khỏi sự đau khổ ấy, khuyên chúng ta quy y để nhanh chóng được tiếp cận với Phật pháp, sớm xóa mờ những đau thương trong cuộc sống. Các Thầy khuyến khích chúng ta quy y là để chúng ta có cuộc sống an nhàn và vui vẻ hơn. Chúng ta nên hiểu đúng về vấn đề này, nhìn đúng với thiện ý của các Thầy và nhìn đúng về mục đích của việc quy y. Chúng sinh càng quy y nhiều, đạo Phật vẫn như thế, vẫn không được bất kỳ lợi ích gì hay lớn mạnh vượt bậc hơn. Chúng ta nên nhớ lại lý do vì sao Đức Phật từ bỏ ngai vàng để đi tu, vì Ngài thấy được cuộc sống của chúng sinh quá đau khổ, Ngài muốn cứu vớt tất cả chúng sinh thoát khỏi bể đau thương ở đời, Ngài ra đi và tìm đến con đường tu tập không phải vì muốn chúng sinh tôn kính Ngài như một bậc thánh, chúng ta phải nhớ kỹ về vấn đề này.
Quy y là gì?
Câu hỏi “quy y là gì” tưởng chừng rất đơn giản nhưng rất nhiều người lại hiểu sai về nó. Nhiều người vẫn nghĩ rằng quy y là phải xuống tóc như các Thầy, nhưng điều này hoàn toàn không đúng và không có một kinh tạng nào nói như thế. Sở dĩ nhiều người hiểu sai như thế vì họ không phân biệt giữa quy y thế phát và quy y cư sĩ.
Quy y thế phát là quy y chỉ dành cho những người có ý định xuất gia, quyết theo con đường tu tập để giác ngộ. Còn quy y cư sĩ là lễ quy y dành riêng cho những người theo học Phật tại gia để họ trở thành một người Phật tử theo đúng pháp. Vì ngày ở đầu bài viết chúng ta đã biết được khi nào được gọi là Phật tử và khi nào được gọi là “thiện nam tánh nữ”. Chỉ sau khi chúng ta quy y, chúng ta mới chính thức được gọi là Phật tử.
Sau khi chúng ta quy y, không phải là chúng ta phải từ bỏ công ăn việc làm của gia đình mà vào chùa để ở, quy y cũng không mang ý nghĩa là mỗi dịp rằm về chúng ta phải đến ngay ngôi chùa đã quy y cho mình để đọc kinh lạy Phật. Điều này hoàn toàn không thể. Trên tất cả những ngôi chùa ở Việt Nam, chúng ta muốn quy y tại đâu đó là quyền lựa chọn của chúng ta, có thể chúng ta sinh sống ở Hà Nội, nhưng một lần vào Sài Gòn chơi và quyết định quy y tại nơi này cũng là một việc rất bình thường, những dịp rằm lớn như rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10 chúng ta cũng không cần bay từ Hà Nội vào tận Sài Gòn để tham dự lễ nghi tại chùa. Sau khi quy y, chúng ta được trở thành một người Phật tử đúng nghĩa, việc lựa chọn chùa để tiếp tục học tu, lựa chọn Thầy để hướng dẫn chúng ta tu hành là do chúng ta tự ý quyết định, miễn sao nó thuận tiện cho chúng ta, không gây phiền phức hay bất tiện cho chúng ta là được.
Nói đến đây, lại có những suy nghĩ sai lệch về quy y, nhưng có lẽ suy nghĩ được nói đến ngay sau đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người e dè khi quyết định quy y, đó là quy y rồi là phải giữ gìn năm giới. Rất nhiều người họ muốn quy y để trở thành người Phật tử đúng nghĩa, nhưng khi nghe nhắc đến năm giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu thì dường như ý định quy y của họ lại tự nhiên biến mất. Họ sợ rằng quy y rồi thì họ không giữ được năm giới đó, họ lại có tội, lại tạo ra nghiệp trên cuộc đời. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, không phải sau khi chúng ta quy y mà chúng ta phạm một trong năm giới đó thì mới có tội, Đức Phật của chúng ta không phải là người đặt ra những quy định cho người quy y, Ngài chỉ là một người giác ngộ được những quy luật của cuộc sống, giác ngộ được nhân quả trong đời. Ngài thấy rằng năm giới đó chúng ta không nên phạm phải vì nghiệp lực của nó rất nặng, do vậy, sau khi chúng ta quy y, chúng ta giữ gìn được bao nhiêu giới trong năm giới đó là do chúng ta cố gắng, giữ được càng nhiều giới thì cuộc sống của chúng ta càng nhẹ nhàng, chúng ta sẽ tránh được những “trái đắng” trong cuộc đời.
Bao nhiêu tuổi thì nên quy y?
Sau khi đã hiểu được ý nghĩa của việc quy y, có lẽ khá nhiều người đang ôm ấp trong đầu một ý nghĩ sẽ quy y. Nhưng khi chúng ta nói ý định này ra với người khác, có người lại khuyên chúng ta nên chờ một thời gian nữa, độ tuổi ngoài 40 hả quy y. Nhưng lời khuyên này hoàn toàn không đúng và không có cơ sở.
Thậm chí, một đứa bé 10 tuổi, nó được nghe Phật pháp từ nhỏ, nay muốn quy y để trở thành Phật tử cũng không có gì sai. Hay một người đã ngoài 60 tuổi mới có duyên với Phật pháp, lúc này họ quy y cũng là việc rất bình thường. Trong đạo Phật, hoàn toàn không có quy định người bao nhiêu tuổi đến bao nhiêu tuổi thì được quy y, ngoài độ tuổi giới hạn thì không được quy y. Bất cứ lúc nào, bản thân chúng ta thôi thúc và thật sự muốn quy y để theo con đường học Phật, chúng ta có thể đến chùa vào những dịp chùa tổ chức lễ quy y để các Thầy quy y cho chúng ta. Quy y vào năm bao nhiêu tuổi là do chính chúng ta quyết định, về nguyên tắc không ai có quyền ép buộc chúng ta hay từ chối quy y cho chúng ta.
Đối với các Thầy, khi chúng sinh đến xin nhờ quy y, đây là một điều đáng mừng và đáng hoan nghênh. Vì chính lúc này đây, chúng sinh đã thật sự có duyên với Phật pháp, đã có nhiều chúng sinh hơn bước vào con đường tu tập để phủi bỏ bụi đời, để họ bớt đi đau khổ. Không một lý do gì mà các Thầy lại từ chối quy y cho chúng ta. Do vậy, nếu có ý định quy y, đừng ngần ngại vì độ tuổi của mình còn quá nhỏ, đừng e sợ Thầy sẽ không quy y cho chúng ta, cứ mạnh dạn đến chùa và thành tâm xin nhờ Thầy quy y, nhất định các Thầy sẽ không thể từ chối một ý nguyện cao đẹp như thế được.
Qua bài viết hôm nay, hy vọng tất cả chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về việc quy y. Cũng mong rằng sau bài viết này sẽ giúp nhiều người mạnh dạn quyết định quy y theo đạo Phật hơn nữa. Quy y không phải là một thứ gì đó ràng buộc cuộc sống đời thường của chúng ta, nó đơn giản chỉ là một “thủ tục” để chúng ta trở thành người Phật tử đúng nghĩa, và nó chính là bước ngoặc đầu tiên cho chúng ta một cuộc sống mới, một cuộc sống đầy chân, thiện, mĩ.