Những điều cần biết về Chú đại bi
Những điều cần biết về Chú đại bi
Ai trong chúng ta đã từng theo học Phật, đã từng đến Chùa tụng kinh niệm Phật thì chắc hẳn đều biết đến Chú đại bi. Đây là một bài Chú không quá dài nhưng thường được đọc lặp lại 7 biến trong các bài kinh. Sự linh nghiệm của Chú đại bi đôi khi khiến chúng ta mơ hồ về nó, mỗi lần có người gặp những điều xui xẻo trong cuộc sống, chúng ta thường khuyên họ niệm Chú đại bi. Hoặc những lúc chúng ta thấy trong lòng bất an, chúng ta cũng dùng đến Chú đại bi như một cách để trấn an lại tinh thần. Cũng từ đó mà Chú đại bi được nhiều người trì tụng và được nhiều người biết đến. Nhưng khi chúng ta niệm Chú đại bi, chúng ta niệm bằng tiếng đã được phiên âm ra nên chúng ta thường không hiểu ý nghĩa của nó, chỉ biết được sự linh nghiệm của nó khiến cho cuộc sống của chúng ta được suôn sẻ hơn. Do vậy, bài viết hôm nay sẽ bàn về nguồn gốc của bài Chú đại bi cũng như những điều còn ẩn sâu chưa có lời giải đáp về nó, mong rằng sẽ giúp cho những người theo học Phật có cái nhìn sâu rộng hơn về bài Chú này.
Nguồn gốc của Chú đại bi
Chú đại bi không phải là một bài Chú được hình thành một cách độc lập, nó được trích ra từ Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát hoạn đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni. Trong các bản kinh thường có một đoạn là Chú, nhưng do tính thâm nghĩa của câu Chú ấy mà các vị Thầy thường trích câu Chú ra như một câu để hành trì trong quá trình tu tập.
Để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về Chú đại bi, và để cho việc tìm hiểu về nguồn gốc của Chú đại bi được dễ dàng hơn, sau đây là một đoạn trích ngắn trong bài Kinh Đại bi tâm đà la ni: “Đức Như Lai vừa nói lời ấy xong, Quan Thế Âm Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục nghiêm chỉnh, chắp tay hướng về Phật mà thưa rằng “Bạch Đức Thế Tôn, tôi có Chú đại bi tâm đà la ni, nay xin nói ra vì muốn cho chúng sinh được an vui, được trừ tất cả bệnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ cái mong cầu, cứu xin Thế Tôn từ bi doãn thứ”. Đọc đến đây, có lẽ chúng ta nghĩ đây là một câu chuyện thần thoại và mang tính chất tín ngưỡng, tuy nhiên sự linh nghiệm của bài Chú đại bi là một sự thật khó có thể nhầm tưởng được.
Chúng ta thấy rằng, trong lời của Quan Thế Âm Bồ Tát, bài Chú ấy có thể diệt trừ sự sợ hãi. Đây là sự thật. Có bao giờ bạn cảm thấy sợ hãi khi ở một mình trong căn phòng đầy bóng tối, mọi thứ đều yên ả nhưng tự dưng lại cất lên tiếng kêu của một vài loài côn trùng? Hay bạn cảm thấy không an tâm khi phải đi một mình vào một nơi vắng vẻ? Những lúc như thế bạn có thử niệm Chú đại bi hay chưa? Riêng với bản thân tôi, những lúc bản thân cảm thấy sợ hãi vì một thứ gì đó, tôi đều niệm Chú đại bi và ngay sau đó, bản thân cảm thấy được bình tĩnh hơn, nỗi sợ tự nhiên lại vơi đi mất.
Nói đến đây, có lẽ nhiều người không đồng ý với quan điểm trên. Thật sự, sự hành trì bất kỳ một loại Chú nào cũng đều mang lại hiệu quả, nhưng hiệu quả đối với những người có duyên với nó. Riêng với Chú đại bi, đây là bài Chú có lẽ được nhiều người Phật tử biết đến nhất và cũng được nhiều người trì niệm nhất. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà có lẽ là do sự linh nghiệm của bài chú ấy, như có một phép thuật nào đó giúp thân tâm của người trì chú được an yên hơn, những cảm giác sợ hãi đều biến mất.
“Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni” – hình ảnh Bồ Tát gắn liền với “Thiên thủ thiên nhãn”
Những ai từng thường xuyên đọc kinh hay thường xuyên trì niệm Chú đại bi, chắc chắn sẽ không xa lạ gì với câu bắt đầu của bài Chú. Nhưng chúng ta có hiểu hết ý nghĩa của câu đó chưa và đã bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi câu đó mang ý nghĩa gì?
Quan Thế Âm Bồ Tát được biết đến là một người đại từ đại bi, trong Kinh Đại bi tâm đà là ni có một đoạn thuật lại lời của Bồ Tát rằng: “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú này, thì xin khiến cho thân con liền sinh ra ngàn mắt ngàn tay”. Ngay lập tức, ý nguyện của Bồ Tát trở thành hiện thực, và hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngàn mắt ngàn tay liền trở thành biểu tượng cho khả năng siêu tuyệt của một vị Bồ Tát mang sứ mệnh cứu khổ cho chúng sinh.
Ngàn mắt của Bồ Tát thể hiện cho trí tuệ, ngàn tay biểu trưng cho năng lực. Ngài là một người có trí tuệ siêu thâm, có một tâm nguyện rộng lớn, hướng đến cứu khổ chúng sinh muôn loài. Và để thực hiện được những hạnh nguyện của Ngài, ngàn tay chính là công cụ. Một người muốn cứu giúp người khác thì trước hết phải có năng lực, và ở đây cũng thế. Cũng chính từ đó, Bồ Tát Quan Thế Âm được biết đến với danh hiệu Thiên thủ thiên nhãn.
Câu “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni” thực chất không phải là một câu mở đầu cho bài Chú đại bi. Đây là câu do người đọc tự thêm vào để nhớ đến hình tượng của Bồ Tát – một người có tấm lòng từ bi cao cả, một người với tâm nguyện cả đời là cứu độ chúng sinh!
Trì tụng Chú đại bi luôn mang đến kết quả dù chúng ta thực hiện với bất kỳ mục đích gì
Có một câu chuyện liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh – một người trì tụng Chú đại bi với mục đích trả thù nhưng kết quả mà ngài nhận được khiến chúng ta không khỏi bất ngờ. Từ Đạo Hạnh là con của một vị quan tên là Từ Vinh – một quan chức trong thời Lý, nhưng do mâu thuẫn với những người thân bằng quyến thuộc của Vua Lý nên những người kia mới mời một vị pháp sư để dùng chú thuật giết chết Từ Vinh. Nỗi đau mất cha khiến cho Từ Đạo Hạnh càng ôm hận trong lòng, hận thù vị pháp sư đã giết chết cha của ngài. Chính vì thế, khi lớn lên, Từ Đạo Hạnh đã quyết định sang Ấn Độ để mong học được một phép thuật gì đó để có thể trả thù cho cha. Tuy nhiên, Từ Đạo Hạnh không thể đến được Ấn Độ, ngài quay về và trì tụng Chú đại bi đến khi đủ linh nghiệm, khi ngài cảm thấy năng lực của mình đủ để giết chết vị pháp sư thì Từ Đạo Hạnh liền ra tay. Kết quả là Ngài đã trả thù và đạt được những gì mà ngài mong muốn. Sau khi vị pháp sư chết, Từ Đạo Hạnh vứt bỏ hết mọi oán ân trong cuộc đời, quyết định tìm một vị thầy để theo học đạo cho đến khi Ngài có thể trở thành một người thầy đắc đạo sau này.
Đến đây, chúng ta thấy rằng sự linh nghiệm của Chú đại bi không phụ thuộc vào ý niệm của chúng ta là thiện hay ác. Dù Từ Đạo Hạnh trì tụng Chú chỉ với mục đích trả thù, nhưng ngài vẫn có được thần thông và vẫn đạt được ý nguyện. Nếu chúng ta trì tụng Chú đại bi đúng bài bản, nhất định chúng ta sẽ nhận được kết quả vì bài chú này như là một nguyên tắc, một chân lý hiển nhiên. Tuy nhiên, nói đến đây không phải nhằm mục đích khuyến khích những người Phật tử trì tụng chú đại bi cho những mục đích không tốt. Dĩ nhiên dù là thiện niệm hay ác niệm thì chúng ta cũng nhận được kết quả, nhưng nếu chúng ta gieo những nhân xấu thì luật nhân quả sẽ không bỏ sót chúng ta.
Chúng ta nên trì tụng Chú đại bi tiếng Phạn hay đã được dịch sang tiếng Việt?
Một sự thật rằng, chúng ta ít khi nghe thấy ai đó trì tụng Chú đại bi bằng một bản đã được dịch sang tiếng Việt. Những câu chúng ta thường niệm như “Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da…” không phải là bản dịch tiếng Việt, nó là phiên âm của bản tiếng Hán. Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng tại sao không dùng bản dịch tiếng Việt mỗi khi trì tụng Chú đại bi hay không?
Ngay cả những vị Thầy đã tu hành nhiều năm, chắc hẳn các Thầy hiểu rất rõ về ý nghĩa của Chú đại bi. Nhưng các Thầy vẫn không dịch ra tiếng Việt, có Thầy trì tụng Chú theo tiếng Hán được phiên âm, cũng có Thầy dùng luôn cả tiếng Phạn. Bài Chú đại bi là một thứ gì đó rất linh nghiệm, cho dù chúng ta có dịch ra nghĩa tiếng Việt thì chúng ta vẫn không thể nào lột tả được hết ý nghĩa của bài Chú ấy. Hơn nữa, nếu chúng ta dịch ra tiếng Việt thì bài Chú đại bi chẳng khác nào là một bài kinh như các bài kinh khác?
Chúng ta niệm Chú đại bi, chúng ta không cần quan tâm đến ý nghĩa của bài Chú ấy. Đa phần người niệm Chú đều mong muốn nhận được sự linh nghiệm, phép màu từ việc trì tụng. Miễn là nó giúp chúng ta bớt đi sự sợ hãi, miễn là bài Chú ấy giúp tinh thần chúng ta được an nhàn hơn thì việc tìm và hiểu được nghĩa của bài Chú ấy không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn hiểu về Chú đại bi thì chúng ta cũng có thể tìm các bản dịch trên mạng để tham khảo, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không thể hiện được hết những gì mà Chú đại bi bao chứa.
Đối với những người bắt đầu việc tu tập và mới làm quen với việc niệm Chú đại bi. Tốt hơn hết là chúng ta nên dùng bản tiếng Phạn hoặc tiếng Hán được phiên âm, chúng ta không cần tìm hiểu ý nghĩa Tiếng Việt của bài Chú ấy là gì. Bởi vì tâm của con người rất dễ dao động, nếu chúng ta biết nghĩa của bài Chú ấy, liệu rằng khi chúng ta niệm Chú chúng ta có còn tập trung như lúc trước hay không, chúng ta có kiểm soát nổi tâm của chúng ta hay không hay lúc đó, chúng ta để nó tự làm theo những gì nó muốn? Do vậy, để việc trì tụng Chú đại bi đạt được hiệu quả, chúng ta chỉ cần chuyên tâm trì niệm, một khi tâm được tập trung, nhất định việc trì niệm sẽ có kết quả.
Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết này, những người Phật tử có cái nhìn sâu sắc hơn về Chú đại bi, hiểu được nhiều điều thú vị hơn về bài chú này. Bài Chú này được ví như một chiếc chìa khóa cho bất kỳ người con Phật nào, bất kể lúc nào chũng ta cảm thấy bất an, nó sẽ giúp chúng ta chấn chỉnh lại tinh thần một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.