TÌM HIỂU THUYẾT LUÂN HỒI TRONG ĐẠO PHẬT
TÌM HIỂU THUYẾT LUÂN HỒI TRONG ĐẠO PHẬT
Đối với con người chúng ta, việc sinh ra và chết đi là điều không thể tránh khỏi. Đó là một quy luật của cuộc sống. Chúng ta cứ ngỡ rằng, chết đi là chấm hết tất cả, nhưng đó là đối với những người chưa nghe được giáo lý của Đức Phật về thuyết luân hồi. Hoặc một số người còn khá mơ hồ về sự sống và cái chết trên cõi đời này, không biết lý do tại sao chúng ta được sinh ra, khi chết đi thì chúng ta sẽ đi về đâu, bắt đầu kiếp người mới hay chấm dứt sự sống tại đó,…tất cả những câu hỏi này cần được tìm hiểu và hiểu sâu về nó, để chúng ta biết được về những chân lý của cuộc đời này, về giáo lý mà Đức Phật đã dạy chúng ta từ thuở xa xưa.
Sống và chết trong đời người chỉ là một giai đoạn
Trước đây, bản thân tôi cũng rất mơ hồ về cái chết. Và ở thời điểm hiện nay, lâu lâu chúng ta lại bắt gặp những câu như “chết là hết”, “chết là lên thiên đàng”,…Vậy sự thật có như thế hay không, chết đi là chấm hết tất cả? Câu trả lời cho bao nhiêu sự mơ hồ đó nằm ngay trong giáo lý của Đức Phật. Trong Đạo Phật, chết không có nghĩa là chấm hết. Sau khi chết đi, chúng ta chắc chắn sẽ có một lối đi khác, nhưng nhiều người vẫn chưa biết được rằng mình sẽ đi về đâu. Đó là bởi vì họ chưa biết đến Phật pháp, chưa từng có cơ duyên được học Phật. Nhưng đối với những người Phật tử, những người đã học Phật đến một mức độ nhất định thì họ sẽ biết được lối đi riêng cho họ sau khi chết đi, và lối đi đó được dẫn đường bởi hai chữ “nhân quả”.
Nhưng nguy hiểm vô cùng cho những ai không biết được điều vừa nói ở trên. Họ nghĩ rằng chết là hết nên ở kiếp người này, họ sống một cách tùy tiện, hại người để trục lợi cho bản thân, họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ miễn sao họ đạt được mục đích. Họ khinh thường những người tu tập, họ thoải mái buông lời nói xấu những người đang học tu theo Phật vì bản thân họ cho rằng họ chỉ sống duy nhất một kiếp này. Nhưng nếu suy nghĩ như những người như thế thì xã hội này cần gì đạo đức, cần gì đến việc ăn chay tu tập, cần gì nghĩ đến những thứ gọi là “phước đức”?
Nhưng chúng ta là những người học Phật, chúng ta cần hiểu rằng một kiếp người chỉ là một giai đoạn nhỏ trong một dòng thời gian dài vô tận. Chúng ta sống trên đời này, năm bảy mươi năm là rất dài, nhưng làm sao dài cho bằng với thời gian của vũ trụ? Chúng ta phải trải qua bao nhiêu lần sinh đi tử lại chứ không phải chỉ có một lần duy nhất ở kiếp đời này. Và mỗi lần sinh ra như thế, chúng ta mang thân phận là người giàu sang hay nghèo khó, có vẻ ngoài xinh đẹp hay xấu xí đều nhờ vào phước đức mà chúng ta tạo được từ tiền kiếp.
Quan niệm về kiếp sau của một số học thuyết ngoài Phật giáo
Từ xa xưa, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi sau khi chết sẽ đi về đâu. Từ câu hỏi ấy, có vô vàng những quan niệm, ý kiến khác nhau. Theo học thuyết Bà la môn, con người sau khi chết sẽ xuống âm phủ, họ vẫn dùng tiền, vẫn ở nhà, vẫn dùng quần áo như người đang sống. Chính quan niệm này mà ngày nay, chúng ta vẫn thường có tuc lệ đốt vàng mã cho người đã chết, đốt quần áo giấy, nhà giấy để người chết sử dụng ở dưới âm phủ.
Còn theo quan điểm của Đạo Thiên chúa, họ cho rằng sau khi chết đi thì con người chúng ta chỉ có hai hướng để đi, một là xuống địa ngục và hai là lên thiên đàng. Những người theo đạo Thiên chúa, nếu họ không tin Chúa thì sau khi chết sẽ bị đọa xuống địa ngục. Ngược lại, những ai tin vào Chúa, dù tin với bất kỳ lý do gì, dù là làm ác hay làm thiện nhưng họ có niềm tin nơi Đức Chúa thì sau khi chết sẽ được lên thiên đàng. Đó chính là quan niệm của đạo Chúa.
Dù là quan niệm của Bà la môn hay Thiên chúa giáo thì họ đều cho rằng sẽ có kiếp sau. Vậy liệu rằng trong đạo Phật thì chúng ta quan niệm như thế nào về vấn đề này?
Thuyết luân hồi trong đạo Phật.
Trong đạo Phật, chúng ta cũng quan niệm là có kiếp sau. Nhưng quan niệm này khác đi một chút so với những quan niệm vừa kể trên. Nhưng trước khi đi vào phân tích kỹ về thuyết luân hồi, người Phật tử cần phân biệt và khẳng định rõ thuyết luân hồi này là do Đức Phật tự sáng tạo ra hay đó là một quy luật của tự nhiên mà Đức Phật phát hiện được. Sự nhận thức rõ điều này vô cùng quan trọng, vì nếu thuyết luân hồi là do Đức Phật tự sáng tạo ra thì chỉ có những người theo đạo Phật mới phải chịu sự chi phối của học thuyết này. Nhưng nếu nó là quy luật của tự nhiên thì lại khác, tất cả mọi người trên cõi đời này, dù theo đạo Phật, đạo Thiên chúa hay đạo Tin lành, dù họ có những quan niệm khác nhau về kiếp sau nhưng họ vẫn chịu sự chi phối của thuyết luân hồi mà Đức Phật đã phát hiện ra. Và một sụ thật là, thuyết luân hồi này chính là quy luật tất yếu của tự nhiên và vũ trụ, Đức Phật chỉ là người phát hiện ra chúng và mang chúng giáo lý cho chúng ta mà thôi.
Luân hồi trong Phật giáo cũng mang ý nghĩa là kiếp sau, là sự tái sinh nhưng tái sinh ở đây khác với những học thuyết khác. Sự tái sinh trong Phật giáo là một vòng tròn lục đạo. “Luân” là một từ hán việt, nó biểu tượng cho cái bánh xe, “hồi” là quay. Vậy “luân hồi” có thể hiểu nôm na là một bánh xe quay, nó là hình ảnh biểu trưng cho một cái quay trong vòng tròn lục đạo, bao gồm Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỹ và Súc sinh.
Như vậy trong đạo Phật, luân hồi chỉ là xoay quanh sáu cõi đó, sau khi chúng ta chết đi, chúng ta sẽ đi theo một trong sáu hướng trong vòng tròn lục đạo. Nói đến đây, chúng ta có thể hiểu được sự luân hồi trong đạo Phật nó khác như thế nào so với những học thuyết khác. Luân hồi là sự tái sinh ở kiếp sau, nhưng chúng ta tái sinh ở thân phận gì thì tùy thuộc vào phước đức mà chúng ta tích lũy được từ kiếp trước. Không phải ai theo học Phật thì chết đi cũng được đến niết bàn, cũng được qua Tây phương cực lạc. Tất cả là tùy vào phước đức của mỗi chúng ta.
Cuộc sống hôm nay và mai sau của chúng ta đều theo thuyết luân hồi
Là những người đang theo học Phật, chúng ta có thể biết được một phần nào kiếp trước và tương lai kiếp sau của chúng ta nếu chúng ta dựa vào thuyết luân hồi. Có thể không chính xác hoàn toàn nhưng đó cũng là một cơ sở cho chúng ta suy đoán. Kiếp này chúng ta sống một đời vui vẻ, hạnh phúc là do kiếp trước chúng ta tạo nhiều phước đức, làm nhiều việc thiện. Và nếu hiện tại chúng ta hướng đến cái thiện trong xã hội, tận tâm giúp đỡ người khác thì kiếp sau, không chắc chúng ta sẽ giàu sang phú quý nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không khổ đến nỗi bị đày vào kiếp súc sinh.
Thật ra, tất cả mọi vật trên thế gian này, từ đồ vật cho đến những cá thể sống đều có luân hồi. Nước trong hồ cũng luân hồi theo quy luật tự nhiên, khi nắng nóng thì nước sẽ bóc hơi lên và tạo thành mây, khi đủ lượng thì sẽ tạo ra mưa và nước lại rơi xuống. Đó là quy luật đã được khoa học chứng minh. Cây cối cũng có luân hồi như thế, khi cây chết đi thì nó sẽ tạo thành phân để chăm bón cho những cây khác phát triển, và cứ như thế tạo ra một vòng tròn luân hồi vi diệu trong đời này.
Hiểu đúng bản chất của tái sinh trong Phật giáo
Luân hồi, tái sinh trong Phật giáo mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Sự tái sinh trong Phật giáo không mang nghĩa là một linh hồn như chúng ta từng quan niệm. Ở dân gian, chúng ta thường hiểu linh hồn là một thứ gì đó phảng phất sau khi chúng ta chết, nhưng trong đạo Phật, chúng ta gọi đó là thần thức.
Tất cả chúng sinh trên cõi đời này, chúng ta đều phải tái sinh và con đường tái sinh là gì thì chắc chắn phải dựa vào nghiệp chướng. Không ai có thể lựa chọn con đường tái sinh cho riêng mình. Không phải kiếp này chúng ta tu học, biết Phật pháp thì chúng ta “được ưu tiên” tái sinh sang cõi Trời, nếu duy chúng ta chưa đủ, nghiệp lực chúng ta chưa đủ để chuyến hướng thì chúng ta vẫn phải tái sinh ở một cõi khác. Cõi Trời trong vòng tròn lục đạo là một cõi rất cao, thật khó cho người phàm phu như chúng ta được sinh về cõi đó. Nhưng đừng vì thế mà nản lòng hay tùy tiện làm điều ác, mọi hành động của chúng ta đều sẽ dẫn đến một nghiệp nhất định. Hãy tập trung làm điều thiện, tích lũy phước đức để đời sau chúng ta có được cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Có một vấn đề mà nhiều người Phật tử thường đánh đồng, gây ra sự hiểu lầm nhất định. Đó là việc tu tập không liên quan gì đến tuổi thọ của chúng ta. Đã từng có những người tu học rất tốt, giúp đỡ rất nhiều người, chữa trị bệnh cho nhiều người nhưng vẫn không thể sống tuổi cao được. Tu tập là một việc, còn nghiệp thọ mạng là một chuyện khác. Chừng nào chúng ta chưa chuyển được nghiệp thọ mạng thì chúng ta vẫn không thể sống lâu hơn được. Nói như vậy để người Phật tử hiểu rõ về vấn đề này, chứ ở đây không mang một ý nghĩa tiêu cực hay xúi giục mọi người đừng tu nữa vì có tu thì vẫn không thể sống lâu hơn được!
Như vậy, qua bài viết này mong rằng những người Phật tử, những người mới theo hoặc đang theo học Phật có cái nhìn đúng về thuyết luân hồi trong Phật giáo. Đây là một thuyết rất căn bản, là nền tảng để chúng ta suy luận ra nhiều vấn đề khác nhau. Chúng ta hãy bình thường hóa mọi vấn đề, tập trung sống thật tốt, tích lũy phước đức cho chúng ta sau này. Chúng ta không thể nào thoát được kiếp sinh tử, không thể thoát khỏi vòng tròn luân hồi của tự nhiên, điều chúng ta có thể làm duy nhất là làm sao để những kiếp sau mình vẫn có được một cuộc đời hạnh phúc, an nhàn nhé!