Tìm hiểu về thuật ngữ niết bàn trong Phật giáo
Tìm hiểu về thuật ngữ niết bàn trong Phật giáo
Đối với người Phật tử, có lẽ ai cũng từng nghe qua hai chữ “niết bàn”. Nhưng nếu gặp một tình huống nào đó bắt buộc chúng ta diễn tả cho người khác hiểu về ý nghĩa của hai chữ ấy thì đôi khi chúng ta lại gặp lúng túng. Sự lúng túng đó có thể là do chúng ta chưa hiểu về nó, hoặc hiểu nhưng còn mơ hồ hoặc thậm chí là hiểu nhưng không biết nên diễn tả như thế nào cho người khác hiểu. Điều này là khó chấp nhận được với những người Phật tử. Những người đã theo học Phật, đã tìm hiểu về Phật giáo thì bắt buộc phải biết và biết rất rõ về hai chữ “niết bàn”, dù là chúng ta tu tập chưa đạt được cảnh giới đó nhưng ít nhất chúng ta cũng phải biết được khái niệm và ý nghĩa của nó. Đây là một thuật ngữ rất căn bản, bước đầu học Phật đòi hỏi người Phật tử phải hiểu rõ về nó thì mới có cơ sở nền tảng để tìm hiểu sâu hơn về các triết lý khác trong đạo Phật.
Hiểu về “niết bàn” trong Phật giáo
Niết bàn có thể hiểu một cách đơn giản là mục đích cuối cùng của tất cả những người tu hành đều hướng đến. Trong tất cả các học thuyết của những tôn giáo khác, khó lòng nào chúng ta tìm được thuật ngữ “niết bàn”, niết bàn là thuật ngữ duy nhất, độc quyền chỉ có trong đạo Phật và vì thế mà nó đòi hỏi tất cả người học Phật phải biết về nó. Niết bàn không mang ý nghĩa là một thứ gì đó quá xa xôi, cao thượng, không phải là một thứ viễn vong do những người học Phật trong tiền kiếp tạo ra, nó là một thứ có thật trong đời sống thực tại, là mục đích, là đích đến cuối cùng của những người tu hành. Chúng ta nói như thế không đồng nghĩa với việc những ai không tu hành thì không bao giờ đạt được niết bàn. Tất cả mọi người trên thế giới này, dù là theo đạo Phật hay một tôn giáo khác, dù là tu hành hay không thì đều có khả năng đạt được điều ấy.
Người học Phật như chúng ta cần phân biệt một cách rạch ròi rằng, niết bàn không phải là “cõi”. Đâu đó trong những bài kinh tụng, chúng ta thường nghe cụm từ “cõi cực lạc”, “cõi tịnh độ” nhưng chúng ta không bao giờ nghe cụm từ “cõi niết bàn”. Tất cả đều có lý do của nó, trong Phật giáo nguyên thủy, chúng ta không có khái niệm “ cực lạc” hay “tịnh độ”, nó chỉ xuất hiện trong giai đoạn sau này khi mà Phật giáo đại thừa phát triển, nhất là Tịnh độ tông. Theo quan điểm của Tịnh độ tông, cực lạc hay tịnh độ là một thế giới và vì vậy mà chúng ta gọi là cõi cực lạc, cõi tịnh độ. Còn với niết bàn, ở thời Phật giáo nguyên thủy, nó là đích đến của người tu hành, nó không phải là một thế giới nên dù cho Phật giáo đại thừa có phát triển thì họ cũng không thể nào biến đổi đi bản chất của niết bàn, không thể nào biến niết bàn từ một ý nghĩa là đích đến của việc tu tập trở thành một thế giới để gọi là “cõi niết bàn”.
Đối với người bắt đầu tu tập như chúng ta, chúng ta đừng suy viễn niết bàn là thứ gì đó cao siêu. Đôi khi chỉ là việc chúng ra trút bỏ hết phiền não trong cuộc sống, cười một nụ cười tươi không lo không nghĩ là chúng ta đã đạt được niết bàn rổi. Nhưng mấy ai duy trì được trạng thái như thế khi cuộc đời này còn quá nhiều đau khổ, nỗi lo lắng cho miếng cơm manh áo vẫn còn đó thì làm sao chúng ta đạt được niết bàn?
Ý nghĩa của niết bàn
Chúng ta đã biết cơ bản được niết bàn là gì. Và tiếp theo đây chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của niết bàn theo lý luận trong Phật giáo. Niết bàn có rất nhiều ý nghĩa khác nhau, từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng, từ một hình tượng cụ thể đến một thứ trừu tượng được vẽ ra để nói lên ý nghĩa của niết bàn.
Niết bàn có nghĩa là tịch diệt, là diệt trừ tất cả các phiền nào để tâm tư được thanh tịnh, để có một cái tâm vắng lặng, an lạc một cách tuyệt đối. Tịch diệt là một trong số những ý nghĩa của hai chữ niết bàn. Chính ý nghĩa này mà chúng ta có thể hiểu vì sao chỉ cần tâm thanh tịnh, chỉ cần trong lòng không còn phiền não là chúng ta có thể đạt được niết bàn!
Hoặc một ý nghĩa khác, trong tứ diệu đế gồm có khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Trong các đế đó, niết bàn chính là diệt đế. Nhiều người Phật tử thường có chút lầm tưởng rằng đạo đế là niết bàn, nhưng điều đó không đúng, đạo đế là con đường để diệt trừ khổ đau, còn diệt đế là kết quả, là mục đích của quá trình đạo đế và vì thế, diệt đế mới chính là niết bàn. Người Phật tử chúng ta cần phải hiểu sâu về vấn đề này, đây là những thuật ngữ rất căn bản trên con đường học Phật, do vậy sẽ không chấp nhận bất kỳ sự lầm tưởng nào liên quan đến ý nghĩa của niết bàn trong tứ diệu đế.
Bên cạnh hai ý nghĩa phổ biến trên, niết bàn còn có thể mang ý nghĩa là bất sanh bất diệt. Nói đến niết bàn, chúng ta phải hiểu ngay đến một bản chất của nó là sự vĩnh hằng, không dịch chuyển, không mang ý nghĩa là vô thường và như vậy, trạng thái bất sanh bất diệt đó cũng là một ý nghĩa của niết bàn. Nhưng sự bất sanh bất diệt ở đây không nên hiểu là sự bất sanh bất diệt về thân, bởi vì theo quy luật của tự nhiên, con người chúng ta được sinh ra, lớn lên và bệnh rồi dần chết đi, chúng ta không thể nào thay đổi được điều ấy hay không thể nào thoát ra được vòng tròn quy luật ấy. Nhưng niết bàn với ý nghĩa là bất sanh bất diệt về tâm, người nào đạt đến trạng thái tâm tĩnh lặng, không bị giao động hay bị rung chuyển bởi bất kỳ nguyên nhân, tác động nào thì người đó đã đạt được trạng thái niết bàn.
Niết bàn có rất nhiều ý nghĩa và được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Một vị hòa thượng đã từng nói rằng niết bàn là ra khỏi rừng mê. Đây là một nghĩa bóng của niết bàn nhưng chính nghĩa bóng này chúng ta có thể hiểu về niết bàn một cách dễ dàng hơn, đó là sự thoát ra khỏi những u mê, những lo toan, thoát khỏi cái vô minh, tham ái, si mê để đạt đến trạng thái thanh tịnh.
Chính sự thoát khỏi khổ đau, giữ tâm thanh tịnh nên niết bàn còn mang ý nghĩa là giải thoát. Niết bàn mang rất nhiều nghĩa khác nhau, tùy từng hoàn cảnh, tình huống mà chúng ta có thể hiểu chúng theo một nghĩa nhất định. Là người học Phật, chúng ta cần hiểu hết các ý nghĩa của niết bàn để trên con đường tu tập của chúng ta, chúng ta chưa đạt được niết bàn ở ý nghĩa này thì chúng ta đạt được niết bàn ở một nghĩa khác. Đừng quá rập khuôn cho một ý nghĩa nào đó để rồi chúng ta cứ chạy đi tìm niết bàn, trong khi chúng ta đã đạt được trạng thái ấy rồi nhưng không thể nhận ra.
Tại sao chúng ta dùng chữ “niết bàn” để chỉ cho sự ra đi của Đức Phật?
Tất cả những người học Phật đều biết rằng, cái chết của Đức Phật được gọi là niết bàn. Không giống như một con người bình thường như chúng ta, cái chết của chúng ta có rất nhiều cách khác nhau để nói về nó: chết, xuống gặp ông bà, đi bán muối, lên thiên đàng,…Vậy tại sao lại có sự khác nhau như thế?
Thật ra là, cái chết của những người bình thường như chúng ta là do nghiệp dẫn, là do quả báu, luân hồi, nhân quả ràng buộc nên chúng ta phải chết, vì sự vay trả cho tất cả những thứ oan trái trên cuộc đời nên chúng ta phải chết. Như vậy, chúng ta chết là do hết thọ mạng, do tất cả những điều của duyên, của nghiệp nên chúng ta phải chết. Nhưng với Đức Phật, chúng ta không nói Đức Phật chết mà nói Đức Phật nhập niết bàn, bởi vì Đức Phật tự quyết định cho con đường ra đi của mình. Trong kinh, chúng ta thấy rằng Đức Phật đã biết thời điểm mình nhập niết bàn trước ba tháng, và bữa ăn cuối cùng mà Ngài thọ hưởng là một bát cháo nấm, sau đó Ngài lâm bệnh và nhập niết bàn. Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều quan điểm khác nhau, có người cho rằng do Đức Phật không biết món ăn đó có độc nên mới ăn rồi dẫn đến chết. Nhưng sự thật có như vậy hay không khi trong kinh cũng nêu rõ ra rằng, sau khi Đức Phật ăn một phần của bát cháo, Đức Phật bảo A Nan đi chôn phần còn lại xuống đất vì bất cứ ai ăn dù chỉ một phần nhỏ đều không thể sống thêm một phút một giây nào nữa. Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Phật biết rõ thứ mình đã ăn có độc, nhưng tại sao Đức Phật lại làm như vậy? Thời điểm nhập niết bàn của Đức Phật đã tới, dù Đức Phật có ăn bát cháo nấm đó hay không thì cũng sẽ nhập niết bàn, chính vì vậy Đức Phật quyết định thọ nhận bát cháo đó để tạo duyên lành cuối cùng trước khi Ngài nhập niết bàn. Sự ra đi của Ngài là có chủ đích chứ không phải do nghiệp dẫn như chúng ta, chính vì thế mà chúng ta không thể dùng từ chết để chỉ cho sự ra đi của Ngài, thay vào đó, chúng ta nói Đức Phật nhập niết bàn.
Đối với người phàm phu như chúng ta, chúng ta không thể tự do tự tại với việc sống và chết như Đức Phật được. Khó lòng nào chúng ta biết được mình sắp phải rời xa cuộc đời nhưng tâm mình vẫn thản nhiên như Đức Phật. Đa phần chúng ta đều lo lắng, sợ hãi trước cái chết của mình, chúng ta lưu luyến muốn ở lại cuộc đời này, muốn được sống thêm chút nữa, muốn được ở gần người thân. Đôi khi, chúng ta luôn cô gắng tỏ ra mạnh mẽ để làm người thân vui nhưng trong lòng chúng ta đầy lo sợ khi biết mình sắp chết. Như vậy, sự vui vẻ bên ngoài đó đã bao bọc đi nỗi đau bên trong, vậy làm sao chúng ta có thể ra đi thanh thản như Đức Phật được. Và đó chính là lý do chúng ta không thể nào dùng từ niết bàn để chỉ về cái chết của chúng ta. Nhập niết bàn – đó là trạng thái an nhiên, tự do tự tại, không vui không buồn trước cái chết, những ai đạt được trạng thái đó thì chúng ta mới có thể dùng từ “nhập niết bàn” để chỉ cho sự ra đi của họ.
Các loại niết bàn trong Đạo Phật
Trong Phật giáo nguyên thủy, có hai loại niết bàn là hữu dư niết bàn và vô dư niết bàn. Hữu dư niết bàn là niết bàn khi còn sanh thân, còn niết bàn không còn sanh thân thì gọi là vô dư niết bàn. Đối với Đức Phật, Ngài đã đạt được niết bàn khi ngồi thiền định 49 ngày dưới gốc cây bồ đề nên gọi là hữu dư niết bàn.
Đối với những người học Phật như chúng ta, hoàn toàn chúng ta có thể đạt được hữu dư niết bàn như Đức Phật. Chỉ cần trên con đường tu tập của mình, chúng ta trút bỏ hết tất cả mọi chướng ngại, sống cuộc đời vô tư tự tại, thanh thản với cái chết của mình là chúng ta có thể đạt được. Không nhất thiết chúng ta phải vô chùa tu tập, không nhất thiết hàng ngày phải tụng kinh niệm Phật, chúng ta vẫn có thể làm được điều đó. Thật sự, có nhiều người Phật tử, họ luôn than phiền rằng cuộc đời này họ đau khổ, họ thiếu thốn nhiều thứ mặc dù mỗi ngày họ đều tu tập. Vậy một câu hỏi đặt ra rằng, chúng ta tu tập để làm gì khi chúng ta luôn ôm trong mình quá nhiều sự tham lam trên trần gian này, chỉ cần biết đủ và dừng lại, nhất định chúng ta sẽ có một cuộc sống bình yên, việc đạt được niết bàn là điều có thể làm được.
Khả năng đạt được niết bàn của tất cả mọi người là như nhau. Chúng ta học Phật, chúng ta biết được niết bàn là đích đến cuối cùng của việc tu tập, chúng ta đừng suy diễn hay vẽ vời ra những thứ xa vời thực tế để hiểu về niết bàn. Càng suy diễn, chúng ta càng rời xa niết bàn. Chỉ cần chúng ta giữ cho thân tâm mình an yên, biết kiềm chế những xúc cảm của bản thân mình, giữ tâm hồn luôn thanh tịnh thì đó chính là niết bàn. Trạng thái niết bàn thật sự rất tuyệt vời nếu chúng ta đạt được điều đó. Do vậy, người Phật tử nên tu tập và hướng đến đạt được niết bàn, có như thế, việc tu tập của chúng ta mới càng trở nên ý nghĩa.