Hãy biết đủ và dừng lại
Trong cuộc sống thời hiện đại, nền kinh tế đang trên đà phát triển, con người chúng ta có hướng đua đòi cuốc sống vật chất. Chúng ta không biết dừng, đôi khi chúng ta quá tham lam, không biết đủ; chính điều này đã tạo ra nhiều vấn đề trong cuộc sống mà đôi khi khiến chúng ta tự than, tự trách cuộc đời mình.
Sự ham muốn khiến chúng ta và người thân đau khổ
Chắc hẳn trong chúng ta, nhất định đã từng đạt ra câu hỏi này trong đầu mà vẫn chưa có lời giải đáp. “Tại sao cuộc sống giờ khó khăn quá, làm nhiều, làm quần quật cả năm mà vẫn không có dư?” Vậy chúng ta thử nghĩ lại xem, cuộc sống thời nay khó khăn, khó kiếm tiềm hay do nhu cầu của chúng ta quá cao mà vật chất không thể đắp bù nổi? Ngày xưa, trong xóm của chúng ta, ngôi nhà chỉ làm bằng lá, không có ti vi, không tủ lạnh, không máy giặt, không điều hòa, ngôi nhà không có gì cả nhưng con người ta vẫn sống được. Bây giờ, khi mọi thứ quá đủ đầy thì tại sao chúng ta luôn than vãn cuộc sống này khó khăn?
Trong giới trẻ hiện nay, họ đòi hỏi quá nhiều từ cha mẹ, họ đòi một cuộc sống như ông hàng, như công chúa. Điều này là không nên. Ngày xưa, khi chúng ta học lớp một lớp hai, mỗi ngày đi học chỉ được cho 2000 đồng cũng thấy vui thấy đủ, rồi đến lớp 6 lớp 7, được cha mẹ cho 10.000 đồng mỗi ngày, chúng ta vẫn vui cười thoải mái. Vậy tại sao, khi chúng ta lên cấp ba, rồi lên đại học, 500.000 chúng ta lại thấy nó quá ít và muốn xin thêm? Phải chăng là chúng ta đã đến tuổi biết xài tiền, biết chưng diện cho bản thân, biết hẹn hò hưởng thụ cuộc sống, biết so sánh giữa bạn và mình, biết phân biệt đẹp xấu giàu nghèo. Đến lứa tuổi cập kê, chúng ta luôn muốn thể hiện bản thân, muốn ga lăng trước mặt người yêu, thấy người khác có xe vision chở người yêu đi chơi thì chúng ta lại quay về đòi cha mẹ cho một chiếc SH? Tuy nhiên, chúng ta đâu biết rằng, chính sự không biết đủ của mình mà cha mẹ phải khổ cực tấm thân!
Đau khổ do sự tưởng tượng mà ra
Cuộc sống ngày nay có thể nói là quá đủ đầy, nhưng nhiều người vẫn tham lam, có 1 thì muốn 2, muốn 3,…Chính vì thế nó làm chúng ta đau khổ. Nhưng sự đau khổ đó là do tưởng tượng mà ra, thực tế không làm chúng ta đau khổ. Nếu so với hai mươi, ba mươi năm trước, cuộc sống của chúng ta giờ đây sướng như thế nào. Ông bà cha mẹ chúng ta sống trong thời kỳ trước, cực khổ nhưng vẫn bình an, nuôi chúng ta cái ăn cái học đầy đủ. Bây giờ chúng ta đầy đủ trên cuộc đời, chúng ta lại suốt ngày than vãn thiếu cái này thiếu cái kia, không có thời gian về thăm nhà, một cuộc điện thoại hỏi thăm người thân cũng không có. Thử hỏi chúng ta ích kỷ đến mức nào?
Chúng ta cho rằng, cuộc sống giờ đây rất văn minh và tiến bộ, mỗi ngày đến văn phòng làm việc, chiều về đi tập thể thao, chúng ta cho rằng đây là cuộc sống của giới văn minh thượng lưu. Nhưng điều đó có đúng không khi chúng ta liên tục đày đọa bản thân mình, bắt tâm chúng ta luôn suy nghĩ, nghĩ về những món vật chất xa xỉ, nghĩ về những mối quan hệ ăn chơi, những cuộc vui bên ngoài. Chúng ta sống trong sự đau khổ như thế có đáng hay không?
Hãy biết dừng lại và cảm nhận hạnh phúc từ cuộc sống
Chạy theo của cải vật chất, theo nhu cầu ngày càng cao của con người khiến chúng ta dần dần mất đi sự hạnh phúc. Thiếu một chiếc điện thoại thông minh không thể làm chúng ta bị cô lập giữa cuộc đời này, trong xã hội con người giao tiếp với nhau bằng miệng, nhìn nhau bằng mắt chứ không thể dùng chiếc điện thoại để thay thế. Chúng ta dùng một đôi giày hàng chợ không thể nói lên được rằng chúng ta là người đẳng cấp thấp trong xã hội, đẳng cấp là nằm ở cái tâm, sự thức tỉnh chứ không phải là sự mê muội một cuộc sống giàu sang.
Chúng ta là người học Phật, chúng ta biết rằng Đức Phật trở thành một con người vĩ đại không phải vì Đức Phật là người có quyền uy, là người có nhiều của cải mà là vì Đức Phật biết sống cho chúng sinh, biết nhường cơm sẻ áo cho người khác, biết nghĩ đến sự đói lạnh của người dân. Ngài là một người có tất cả, có địa vị, đứng trên bậc cao của xã hội, nắm trong tay quyền uy của một vị vua sau này. Nhưng Đức Phật không dựa vào thế lực đó để ăn trên ngồi trước, sống cuộc sống giàu sang, Ngài từ bỏ mọi thứ để tìm đến con đường giác ngộ. Như vậy, hạnh phúc đâu phải xuất phát từ vật chất, vậy chúng ta cứ chạy theo vật chất để làm gì?
Mọi thứ trên đời này đều có quy luật, bạn thấy ngọn núi kia cao, bạn muốn chinh phục và muốn trở thành người duy nhất đứng trên đỉnh núi đó. Nhưng bạn có nhận ra rằng, bên kia ngọn núi là một vực sâu thăm thẳm? Chúng ta sống trên đời này, hãy ngưng chạy theo tiền bạc của cải, chế ngự lại lòng tham, chúng nên nên biết dừng ở đâu, biết cảm nhận thế nào là đủ. Chỉ có như vậy, bạn mới cảm nhận được hạnh phúc từ cuộc sống này…