Mãn Tự Vegan: Quán Buffet Chay Tùy Tâm Trong Lòng Sài Thành
Nằm nép mình trong một con hẻm chung cư cũ trên đường Tôn Thất Đạm, Mãn Tự Vegan (TP.HCM) là một nhà hàng chay hoạt động theo hình thức kì lạ sẽ đưa thực khách đi từ bất ngờ này đến với bất ngờ khác.
Bên trong quán, không gian nhỏ và ấm cúng chứng kiến sự xuất hiện của mọi thành phần xã hội,khi đến đây họ cùng ngồi ăn với nhau, bỏ qua sự khác biệt về địa vị tầng lớp, cùng vui vẻ và trò chuyện rôm rả.
“Vui thì trả tiền, không vui cũng không sao”
Điều bất ngờ đầu tiên mà khách đến quán nhìn thấy được đó là không có quầy tính tiền nào cả. Những gì chúng ta cần làm chỉ là lấy dĩa, đến quầy, lấy thức ăn rồi dùng bữa.
Khối lượng các món ăn tại quán rất nhiều và phong phú. Từ món canh đến món chiên, từ cơm bún mì cho đến các loại chè, hãy cứ trộn đôi ba thứ lại với nhau, ước chừng sẽ có hàng trăm đĩa thức ăn khác nhau vô cùng dinh dưỡng và bắt mắt.
Sau khi ăn , bạn có thể đi về tùy thích. Nhưng nếu cảm thấy món ăn ngon, bạn có thể để lại số tiền tùy ý, dù là 100.000 đồng, 50.000 đồng, 5.000 đồng hay 1.000 đồng, cũng chẳng có vấn đề gì cả.
Mãn Tự Vegan đã hoạt động theo hình thức như vậy được 3 năm và đã có 3 chi nhánh tại Sài Gòn. Ngoài cửa hàng chính ở Quận 1, quán còn có mặt ở Quận 5 và huyện Bình Chánh.
Và điều khiến nhiều người ngỡ ngàng đó là dù không thu tiền bữa ăn nhưng quán vẫn được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Không gian bên trong được thắp bằng một thứ ánh sáng màu nóng, tạo cảm giác ấm áp và mang đậm âm hưởng của sự thanh tịnh.
Nhân viên của quán làm việc hết công suất, từ chuẩn bị nguyên liệu, nấu bếp cho đến chuẩn bị thức ăn và lau dọn, rửa chén bát. Đặt chân vào quán, bạn sẽ không có cảm giác đây là một quán ăn bình dân mà đích thị đó là một nhà hàng buffet đúng chuẩn.
Nhà hàng được duy trì bằng những điều kì diệu
Ba mặt bằng giữa trung tâm quận 1 và hai chi nhánh khác, nguyên liệu tươi sạch, nhân viên lao đông … để chuỗi nhà hàng hoạt động trơn tru mỗi ngày, điều cần nhất đó là một số tiền khổng lồ. Vậy nếu trả tiền tùy tâm thì làm sao quán ăn có thể duy trì hoạt động được đến ngày hôm nay?
Giải đáp thắc mắc về lợi nhuận của quán, chị Phượng cho biết: “Chị mở quán không phải vì lợi nhuận, mà chỉ có thể nói đó là thu và chi. Tiền tùy hỉ thu được mỗi ngày thường không đủ bù cho khoản chi phí bỏ ra, nhưng bằng một cách diệu kì quán vẫn chưa đóng cửa được.
Đôi khi có người chuyển khoản cho chị 2 triệu, mua cũng được chục kg gạo, nấu cũng được vài bữa cơm cho quán. Lắm lúc có khách đến ăn, gửi tiền rất nhiều và bù luôn cho phần của những người trả tiền ít. Bằng cách này hay cách khác, chị tin rằng quán của mình vẫn có thể duy trì hoạt động trong nhiều năm nữa.”
Chị Phượng nói, trước khi mở quán, chị tốt nghiệp ngành điện – điện tử, đi làm 10 năm trong ngành xây dựng rồi bây giờ làm nhà hàng,hoàn toàn là những lĩnh vực không ăn nhập gì với nhau. Số tiền tích lũy được trong một thập niên đi làm cùng tiền lương của chồng giúp chị đảm bảo được hoạt động ở quán cũng như tiền học cho con, chi phí sinh hoạt gia đình.
“Quán ăn này từ lúc mở ra đến giờ, mọi thứ đều đến một cách rất tình cờ và chị cũng không hiểu tại sao. Thú thật là trước đây chị không biết nấu ăn, đến lúc rục rịch mở quán thì có một cô đầu bếp gọi đến và xin vào làm việc”, chị Phượng vui vẻ chia sẻ.
“Chị thấy mình điên. Ước gì cũng có nhiều người điên như chị”
Giải thích về lý do tại sao không quy định rõ số tiền cho một phần ăn, chị Phượng cho biết nếu niêm yết giá là 2.000 đồng, 5.000 đồng hay 10.000 đồng, thì vô tình nó chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng là dân lao động, trong khi đó các bạn trẻ hay dân văn phòng sẽ không đến vì tâm lý chung.
“Chị mở quán nhằm muốn truyền bá việc ăn chay vì đây là lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, cũng như ý nghĩa của việc làm từ thiện, khuyến khích mọi người hãy cho đi nhiều hơn thay vì cứ nhận lại. Để làm được điều này, chị phải hướng đối tượng khách hàng đến những người trẻ, là những người làm chủ xã hội sau này.
Ngoài ra, những món ăn được đầu tư nấu nướng và bày trí kỹ lưỡng, do đó thực khách ngoài ngon miệng vẫn được mãn nhãn. Khi ăn một bữa chất lượng, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội được ăn ngon trong khi những người khá giả cảm thấy không tiếc khi đóng góp tiền,” chị Phượng tâm tư.
Tự cảm thấy mình là một người điên khi lao vào chuyện kinh doanh không lãi, chị cho biết bạn bè và người thân không mấy ai ủng hộ việc này, nhưng chị vẫn bất chấp thực hiện và đến tận nay vẫn phải bù lỗ cho nó. Vấn đề là, chị Phượng không cần tiền mới mở quán, mà chị cần sự chung tay của cộng đồng.
“Chị muốn làm từ thiện, nhưng mà là từ thiện thông minh. Có nghĩa là, thay vì tặng quà tặng tiền cho người nghèo thì số tiền đó sẽ chết vì không thể xoay chuyển hay sinh ra thêm. Đối với quán ăn này, người khá giả có thể bỏ nhiều tiền hơn vào thùng ủng hộ để đem lại những bữa ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn, thông qua đó ai cũng có thể làm từ thiện.
Chị đôi khi thấy mình điên khi kinh doanh mà phải lấy túi riêng bù lỗ, nhưng rất mong cũng có nhiều người điên như chị để cùng nhau làm được điều gì đó cho xã hội này. Những người có điều kiện chỉ cần trích một chút ra là có thể mở rộng nhiều cơ hội cho những người khó khăn.
Dù có phá sản, chị vẫn muốn làm vì đây là ước mơ của chị. Chị ao ước được truyền cảm hứng cho nhiều người khác cùng nhau hành động và nhằm chứng minh được rằng: kinh doanh không lãi vẫn không chết được. Chỉ cần mình làm tốt việc của mình thì mọi thứ sẽ lại đâu vào đó,” chị Phượng nở nụ cười tươi tắn và chia sẻ hoài bão của mình.
Nguồn: phatgiao.org.vn