Thuyết vô ngã trong đạo Phật
Ngày nay, nhu cầu tu học của các Phật Tử ngày một nhiều hơn. Đời sống của chúng ta giờ đây đang trôi chậm lại, chúng ta không phải hối hả với những bộn bề của cuộc sống, không cần phải vật lộn với thời gian hàng giây hàng phút cho những dự định còn dở dang của mình. Chúng ta có thể sống nhẹ nhàng và đơn giản lại, có nhiều thời gian hơn cho việc tu tập. Chúng ta học tu theo Phật giáo, chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ gì với những thuật ngữ như duyên sinh, vô ngã,…Vậy liệu rằng chúng ta đã hiểu sâu rộng về những học thuyết này chưa? Vô ngã là gì? Duyên sinh là gì? Với mỗi học thuyết, nó là cả một sự chắt lọc, tìm tòi, là cả một nguồn kiến thức vô tận cho người Phật tử. Chính vì thế, để chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn, bài viết này sẽ chia sẻ về thuyết vô ngã. Một khi chúng ta hiểu rõ vô ngã, chúng ta sẽ có cơ hội hiểu nhiều hơn về thuyết duyên sinh trong những bài viết sau.
Thuyết vô ngã – một học thuyết cơ bản trong Phật giáo
Hãy khoan đi tìm hiểu ý nghĩa của vô ngã là gì. Đầu tiên nhất, chúng ta cần phải biết thuyết vô ngã là một học thuyết mở đường, khởi nguyên cho đạo Phật, là học thuyết nền tảng mà bất cứ người Phật tử nào muốn học chuyên sâu về Phật giáo đều phải học qua. Quá trình thành đạo, chứng đắc của Đức Phật không nằm ngoài thuyết vô ngã mà chúng ta đang nhắc đến ở đây. Đó chính là lý do vì sao mà chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng thuyết vô ngã là học thuyết cốt lõi trong đạo Phật!
Hai chữ “vô ngã” tưởng chừng rất đơn giản, nhưng mấy ai hiểu hết được ý nghĩa của nó. Thật sự, với người mới bước chân vào con đường học Phật như chúng ta, thậm chí là những người đã bắt đầu học chuyên sâu về Phật giáo, thật khó để hiểu hết ý nghĩa của hai chữ này. Việc hiểu ý nghĩa của “vô ngã” đã khó, và như vậy việc thực hành “vô ngã” sẽ còn khó gấp trăm lần. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là làm nản đi ý chí tu học của những người Phật tử, việc càng khó, chúng ta càng cố gắng thực hành. Một khi chúng ta đạt được kết quả thì chúng ta sẽ cảm thấy việc tu hành của bản thân thật sự ý nghĩa.
Ý nghĩa của “vô ngã”
Trước khi chúng ta muốn hiểu hết về ý nghĩa của hai chữ trên, chúng ta cần tìm hiểu về chữ “ngã”. Có thể một số trong chúng ta, chúng ta có thể hiểu nôm na “ngã” là cái tôi, nhưng chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ như thế. Nhưng để hiểu về “vô ngã”, đòi hỏi chúng ta phải hiểu sâu, hiểu nhiều về “ngã”.
“Ngã” là những hành động, những phản ứng, những cử chỉ để bảo vệ cái tôi thông qua nhận thức, ý thức và trực giác của một ai đó. Nhưng trực giác lại là một phản xạ không điều kiện, nghĩa là bản thân chúng ta tự động hành động như thế mà không cần phải có sự tính toán hay suy nghĩ trước. Lấy một ví dụ đơn giản để chúng ta dễ hiểu, khi ai đó đưa chúng ta một trái ớt có độ cay và nồng rất cao nhưng người đó lại nói với chúng ta là ớt này không cay, chúng rất ngon và vì thế mà chúng ta thản nhiên cầm trái ớt và cắn một miếng thật to. Và rồi chúng ta vội nhả miếng ớt ra, tìm một cốc nước một cách không cần suy nghĩ, tất cả chỉ để làm cho chúng ta không còn cay, làm cho lưỡi chúng ta trở về cảm giác dễ chịu ban đầu. Như vậy, phản ứng nhả miếng ớt ra, chúng ta hoàn toàn không suy nghĩ nên nhả ở chỗ nào, nên nhả hay nên ăn tiếp. Đó chính là một phản ứng thông qua trực giác của mình, phản ứng của chúng ta hoàn toàn không có sự can thiệp kịp thời của ý thức, chúng ta hành động nhờ vào tiềm thức và tất cả chỉ nhằm bảo vệ bản thân chúng ta.
Ví dụ và phân tích trên để làm rõ cho một nhánh ý nghĩa của từ “ngã”, đó là phản ứng để bảo vệ cái tôi thông qua trực giác. Vậy liệu rằng con người của chúng ta có khi nào hành động thông qua ý thức, nhận thức để bảo vệ cái tôi mình hay không? Câu trả lời đương nhiên là có. Ví dụ, một bé gái 6 tháng tuổi, khi chúng ta khen hay chê thì bé đều không có sự vui mừng hay khó chịu. Nhưng nếu bé đó lớn lên, chúng ta khen thì lúc này, ý thức của bé đã biết được đó là lời khen, bé sẽ vui mừng. Nhưng nếu chúng ta chê bai, chửi bới bé, bé sẽ cảm thấy buồn và đôi khi trong lòng lại sinh ra sự nóng giận, ghét chúng ta. Những lúc như thế, bản ngã của con người sẽ hành động theo sự nhận thức, ý thức. Như vậy, bảo vệ bản ngã thông qua ý thức là sự nhận thức, so sánh, phân tích, đánh giá được vấn đề rồi dựa vào đó mới đưa ra phản ứng. Điều này hoàn toàn khác với việc bảo vệ bản ngã thông qua trực giác, đó là sự phản ứng không thông qua ý thức, là một phản xạ không điều kiện.
Đến đây, chúng ta có thể hiểu được từ “ngã” mang ý nghĩa gì. Và như vậy, chúng ta có thể suy ra một cách dễ dàng ý nghĩa của từ “vô ngã”. “Vô ngã” là sự phủ định của những gì chúng ta đã định nghĩa phía trên, là sự phá vỡ cái tôi của bản thân. “Vô ngã” mang ý nghĩa là tất cả những sự phản ứng để bảo vệ cái tôi ở trên là vô thường, là không thật; và tất cả những lời nhận xét từ người khác, lời khen lời chê, lời nói xúc phạm hay lời tôn trọng đều là vô thường, không thật, nó chỉ là một lời nói thoáng qua, nó tồn tại và mất đi theo điều kiện, nó không tồn tại vĩnh hằng theo thời gian. Như vậy, với ý nghĩa trên, “vô ngã” được ví như mà một học thuyết cốt lõi trong đạo Phật.
Thuyết vô ngã trong đạo Phật chỉ ra rằng bản thân con người và sự vật xung quanh là không thật
Thông qua thuyết vô ngã, chúng ta đều biết rằng tất cả các sự vật, hiện tượng trên cuộc đời này đều vô thường, giả tạm, không có một cái tôi nào tồn tại vĩnh viễn theo thời gian. Như vậy, thân xác này cũng là vô thường, những vật dụng mà chúng ta đang sở hữu cũng chỉ là giả tạm. Cái tôi của chúng ta là không thật, cũng chỉ là sự vô thường vậy cớ sao chúng ta đôi lúc chỉ muốn bảo vệ cái tôi của mình mà bất chấp làm tổn thương người khác?
Đức Phật của chúng ta giác ngộ được thuyết vô ngã này trước khi Ngài đi xuất gia. Khi còn là thái tử, Ngài đi dạo ở bốn cửa thành và chứng kiến cảnh sanh – già – bệnh – chết của một kiếp người, lúc này Ngài đã nhận thức được sự vô ngã của cuộc đời. Mỗi một con người chúng ta được sinh ra, chúng ta không thể sống mãi với sự trẻ trung khỏe mạnh, rồi một lúc nào đó, chúng ta cũng phải đối mặt với cái già, với những cơn bệnh nặng hành hạ thân xác và rồi cũng phải lìa khỏi cuộc đời. Như vậy, thân xác này không tồn tại vĩnh hằng theo thời gian. Và những sự vật xung quanh chúng ta cũng như thế, chúng ta sở hữu một chiếc xe hơi Bugatti La Voiture Noire với giá mắc nhất thế giới, nhưng chiếc xe này đâu thể tồn tại mãi mãi theo thời gian. Trước khi nó là chiếc xe, chúng ta có nghĩ rằng nó từng là những mảnh nhựa bỏ đi trong bãi rác? Và khi nó mang dáng vóc của một chiếc xe, được dán tên thương hiệu xe và được bán ra thị trường với giá đắt đỏ, chúng ta có nghĩ nó sẽ tồn tại trường tồn tới tận hàng ngàn năm sau? Dĩ nhiên điều này là không thể xảy ra, vòng đời của chiếc xe cũng được ví von như con người, chúng cũng đối mặt với những lúc hư hỏng, cũ nát và bị bỏ đi. Như vậy, không chỉ con người chúng ta mà tất cả mọi vật xung quanh chúng ta cũng đều là vô ngã, giả tạm.
Hiểu về vô ngã và thực hành vô ngã
Tất cả chúng ta ở đây, khi đọc đến đây chắc hẳn đều hiểu vô ngã là gì, và thậm chí chúng ta còn có thể tự tin đi giải thích cho người khác hiểu về hai chữ “vô ngã”. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta đã thực hành được vô ngã. Một sự thật đáng buồn rằng, cái tôi của chúng ta là quá lớn, nó vẫn phình ra khi được một ai đó tâng bốc, khen ngợi, nó vẫn bị tổn thương nếu người khác nói lời xúc phạm, miệt thị chúng ta. Bản ngã chúng ta vẫn luôn tồn tại và thật khó để nó vượt qua được những lời khen chê được mất từ ngoài xã hội.
Đó là nói về bản ngã, vậy còn bản thân của chúng ta thì sao? Chúng ta có chịu cam lòng chịu đựng để vượt qua những con đói dài ngày hay không, có chịu đựng được đau đớn do bệnh tật hay không? Với những gia đình có điều kiện, chẳng những món ăn mỗi ngày của họ phải giúp họ no bụng mà còn phải có vị ngon, họ có thể bỏ ra một số tiền khổng lồ chỉ để thưởng thức món gan ngỗng đắt nhất thế giới, bỏ vài trăm triệu hoặc thậm chí vài tỷ để ra nước ngoài chữa bệnh, để giúp thân xác này trở nên dễ chịu hơn. Chỉ một ví dụ nhỏ như thế thôi, chúng ta có thể thấy được việc thực hành vô ngã giữa đời thường thật sự là rất khó.
Một khi chúng ta còn quá xem trọng cái tôi, cái thể xác này, chúng ta khó lòng nào có thể an yên mà sống được. Nhưng nếu chúng ta thực hành được vô ngã, xem thân xác này, bản ngã này chỉ là giả tạm, chúng sẽ mất đi vào bất cứ lúc nào, chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản hơn nhiều, không hơn thua được mất với người đời, không cố chấp bảo vệ bản ngã bằng mọi giá, xem sự sống cái chết là một điều hiển nhiên và giả tạm thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy vướng bận bất cứ điều gì ở trần gian này nữa. Đức Phật của chúng ta là một bậc giác ngộ, Ngài đã hiểu về vô ngã ngay khi còn là thái tử nên Ngài có thể bỏ đi ngôi vị của mình một cách dễ dàng, tìm đến con đường tu tập và giải thoát cho bản thân khỏi vòng luân hồi của cuộc sống. Vậy còn chúng ta, những chúng sinh sống trên trần gian với nhiều thú vui của lạ, nhiều sự cám dỗ của đời, chúng ta có sẵn sàng từ bỏ tất cả, thực hành vô ngã để được sống an nhiên, tự tại hay không?